samu.vn- Làng bối khê thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, quê hương phát tích của nghề khảm trai Việt Nam.
Tương truyền cụ tổ nghề sơn có tên là Trần Lư, người làng Bằng vọng, huyện Thượng phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (Nay là xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội). Cụ sinh năm Canh Dần (1470), đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502). Năm 1527 dưới triều Mạc Đăng Dung thì cụ được cử đi sứ Trung Quốc. Từ Trung Quốc mà cụ đã học được nghề làm sơn đem về dạy cho dân, trước là quê hương cụ. Điều này đã được khẳng định trong cuốn gia phả “Bình Vọng Trần thị gia phả” viết bằng chữ Hán hiện còn lưu giữ được ở trung tâm Khoa học Xã Hội. Sách có chép:
Lưỡng độ hoàng hoa danh tiến sĩ
Bách niên đan hoạch cổ tiên dân.
Dịch là: Hai độ hoa vàng từng tiến sĩ
Trăm năm son thắng dạy dân gian
Từ làng Bằng vọng ban đầu, sau đó nghề sơn được phát triển ra toàn quốc,Làng Bối Khê xưa cũng thuộc phủ Thường Tín cùng với làng Bằng Vọng nên nghề sơn có được có lẽ cũng từ rất sớm. Lịch sử nghề sơn mài ở Bối Khê cũng có những thời rất phát triển. Từ năm 1989 trở về trước, những người thợ sơn mài ở đây làm nghề trong một tổ chức tập thể được nhà nước cấp sổ lương thực, tem phiếu thực phẩm hàng tháng như đối với công nhân viên chức nhà nước. Ngoài ra họ còn đi làm ở các nơi xa và trở thành những người thợ kỹ thuật chính cho các trung tâm sản xuất hàng sơn mài ở thủ đô như Hợp tác xã Thống Nhất ở phố Bạch Mai, Hợp tác xã Thăng Long ở phố Hàng Mành. Cùng với các phường nghề sơn mài nổi tiếng ở Việt Nam xưa như phường sơn Bình Vọng, phường sơn Hạ Thái, phường sơn Đình Bảng, Phường sơn Nam Ngư…Phường sơn Bối Khê cúng là nơi phát triển nghề hưng thịnh từ rất xa xưa.
Con đường lập nghiệp hành nghề ở Bối Khê cùng chung số phận với những làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam là năm 1989, các nước Đông Âu sụp đổ làm cho thị trường tiêu thụ hàng hoá đặc biệt này của nước ta bị mất, thế là tất cả cơ sơ sản xuất hàng TCMN bị tan vỡ, thợ nghề, nghệ nhân mất việc, giải nghệ đi kiếm kế sinh nhai bằng những công việc khác. Phải đợi mãi đến thời kỳ mở cửa, các nghề thủ công mỹ nghệ nói chung, nghề sơn mài nói riêng mới được hồi phuc. Nhưng nghề sơn mài ở Bối Khê hành nghề trở lại cũng rất hạn chế. Một số nghệ nhân người thì ở lại làng, người thì đi nơi khác mở cơ sỏ sản xuất. Cặp vợ chồng nghệ nhân Tân, Ngần phải đến tận khu công nghiệp Phú Nghĩa ở huyện Chương Mỹ để mở xưởng sản xuất suốt từ năm 2003, mãi đến 2007 mới về lại bối khê thu gom lao động, nghệ nhân lập cơ sở mới.
Ngày nay, Bối Khê không chỉ có cơ sở Tân Ngần mà còn hàng chục cơ sở khác phát triển, thu hút tới 80% lực lượng lao động của địa phương vào làm nghề, Ngoài ra còn thu nhận thêm hàng trăm lao động ngoài đìa phương đến làm việc như huyện Ứng Hoà.
Sản phẩm hàng sơn mài ở Bối Khê chủ yếu là mặt hàng bình, lọ, hộp nhiều hơn mặt hàng tranh. Chất liệu khảm trên nền sơn mài cũng rất độc đáo hơn các nơi khác, sơn mài Bối Khê có thế mạnh là vỏ trai, xà cừ, vỏ trứng. Quá trình hình thành một sản phẩm, người thợ Bối Khê cần rất nhiều công sức và trí tuệ. Ban đầu là lấy sơn sống quét một lượt cho kín bề mặt vóc để bít hết kẽ hở ở, các chỗ ghép, đợi sơn sống khô, quét tiếp một lượt sơn trộn với đất sét đã nhào nhuyễn để tạo mặt phẳng, nhẵn mịn. Lại đợi lượt sơn này thật khô mới dùng giấy giáp mà mài. Mài cho đến khi mặt sản phẩm thành màu sám nhạt. Tiếp theo là một lượt sơn lót, lớp lót này có màu đen nhưng chưa bóng. Lớp lót muốn khô lại phải đem ủ ấm vì sơn ta để chỗ ráo thì lại không khô, khi nào thời tiết lạnh còn phải phủ bằng chiếu ướt cuối cùng là sơn màu. Lớp sơn màu tuỳ thuộc vào yêu cầu của từng loại sản phẩm. Ngày xưa màu sơn mài chỉ có ba loại là màu đen (sơn then), nâu (sơn cánh gián), đỏ (sơn son). Ngày nay, người thợ sáng tạo thêm nhiều màu mới như thếp bạc, thếp vàng quỳ.
Sản phẩm sơn mài của làng nghề Bối Khê có nhiều ưu điểm hơn so với các làng nghề sơn mài khác bới chất liệu chủ yếu bằng sơn ta (nhựa của cây sơn mọc ở vùng rừng Phú Thọ).Làm bằng sơn ta, sản phẩm sẽ được bền không bị thời gian, thời tiết, côn trùng phá hoại, khả năng chịu nắng, chịu lạnh rất cao, chất liệu bám bền chặt nên sản phẩm làm xong tăng độ bóng, mịn màng, lung linh. Nhờ có thủ thuật xử lý chất liệu và tư duy mỹ thuật trang trí trong từng công đoạn sản xuất nên sơn ta đã trở thành một hình thái tạo hình hoàn chỉnh. Lại thêm vỏ trai, vỏ xà cừ, vỏ trứng thanh bạch khảm lên bề mặt sơn làm cho sản phẩm sơn mài Bối Khê càng thêm đẹp. Thị trường nước ngoài rất mến mộ tất cả các loại hình sản phẩm sơn mài được sản xuất từ đây.
Về làng nghề Bối Khê hôm nay, gần như cả làng đều làm nghề sơn mài, thu nhập chính hiện nay của người dân cũng từ bán hàng sản phẩm sơn mài. Hàng sơn mài Bối Khê xuất khẩu ra nước ngoài là chủ yếu bởi thế mà thương hiệu sơn mài Bối Khê ít được người trong nước biết đến. Hàng ngày đường làng tấp lập xe vận tải vào ra chở hàng nhưng cũng chính là chở đi để đến nhưng nơi viễn xứ.
Nghề sơn mài cũng là một nghề độc hại nên ai ai cũng khát khao đến một ngày nào đó sẽ được di dời nơi sản xuất ra khỏi khu vực dân cư như hiện nay. Và mong sao các cơ quan hữu trách góp tay giúp làng nghề tìm một hướng đi mới phát triển hơn, bền vững hơn kể cả công nghệ, thị trường tiêu thụ đến môi trường sản xuất được an toàn.
Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên vừa qua, các sản phẩm sơn mài của Bối khê đã ra mắt trình làng làm cho nhiều người biết thêm, quý trọng hơn con người, sản phẩm, đặc biệt là truyền thống giữ nghề và tinh thần cầu thị, sáng tạo của những người thợ tài hoa với những đôi bàn tay vàng và khả năng tư duy nghệ thuật ngọc, ngày đêm miệt mài cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đậm hồn Việt Nam, mang thương hiệu làng nghề truyền thống Bối Khê.
Nguyễn Nguyên Hoài