Chúng ta đã biết nhiều về đôi đũa – một vật dụng thường ngày của người Việt Nam, hơn thế nữa, đó là một biểu tượng văn hóa.
Nếu như ở Nhật Bản có hẳn 8 điều răn khi sử dụng đũa:
1. Không liếm đũa; 2.Không để đũa lộn xộn trên mâm cơm và trên bàn ăn; 3.Dùng đũa gắp thức ăn lên ăn với cơm rồi mới gắp tiếp, không nên gắp thức ăn nhắm liền tù tì; 4.Không được cho đũa vào miệng ngậm, nhai, hoặc lấy đũa xỉa răng (chọc vào kẽ răng); 5.Không nên cắm đũa vào bát, vào đĩa thức ăn; 6.Không nên dùng đũa gạt đĩa, bát; 7.Không nên đặt đũa trên bát, đĩa; 8.Không nên dùng đũa bới chọn thức ăn. (theo Almanach Những nền văn minh thế giới. Nhiều tác giả, Nhà xuất bản Văn hóa-thông tin, Hà Nội 1999).
Và bản thân người Nhật cũng nâng đôi đũa lên tầm biểu tượng văn hóa (là một cách ứng xử đặc trưng của người Nhật, nâng tầm của những hoạt động - có vẻ thông thường ở các nền văn hóa khác – thành Đạo; đáng để chúng ta học hỏi) với những giá trị được sản sinh quanh đôi đũa, đến mức cả thế giới biết đến Nhật Bản như một cường quốc sử dụng đũa với số lượng trung bình, mỗi người dân Nhật sử dụng 200 đôi mỗi năm. Điều này đồng nghĩa với việc 127 triệu người Nhật sẽ bỏ khoảng 90.000 tấn gỗ vào sọt rác mỗi năm. (theo AFP).
Thì ở Trung Hoa cũng có hẳn 12 điều kiêng kỵ khi dùng đũa:
1. Ba dài hai ngắn; 2. Tiên nhân chỉ đường; 3. Dùng đũa để âm thanh phát ra; 4. Dùng đôi đũa gõ bát (chén); 5. Cầm đũa tìm thành; 6. Dùng đũa đào bới; 7. Để đũa rơi lệ; 8. Lật ngược trời đất; 9. Kim thần trấn biển; 10. Cắm hương vào bát; 11. Bắt chéo chữ thập; 12. Lạc địa kinh thần. (theo Tri thức trẻ, số 252, 20/7/2008). Chúng tôi không đi sâu vào việc so sánh cách thức và những kiêng kỵ khi dùng đũa giữa người Nhật và người Trung Quốc. Và tôi cũng tạm thời chưa đề cập đến những giá trị văn hóa của người Việt Nam xoay quanh đôi đũa.
Chúng tôi muốn đi tìm chủ nhân đích thực đã sáng tạo ra đôi đũa.
Lịch sử Trung Hoa và Nhật Bản đều ghi nhận, chính người Nhật, trước khi học cách chế tạo và sử dụng đôi đũa từ Trung Hoa thì họ chỉ có cách ăn bốc (dùng tay bốc thức ăn, giống như người Lào, người Xiêm xưa...).
Ở Trung Hoa thì sao? Liệu chủ nhân sáng tạo ra đôi đũa có phải là cư dân của nền văn hóa Trung Hoa vốn đã rất nổi tiếng về bề dày, rất giàu và đẹp hay không?
Các học giả, kể cả người Trung Hoa (Lượng Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Quách Mạt Nhược...) đều thừa nhận, tổ tiên của người Hán vốn phát tích từ phía Tây của lưu vực Hoàng Hà trên nền phù sa hoàng thổ với gốc văn hóa du mục và canh tác nông nghiệp khô (trồng kê, mạch...), nghĩa là phi lúa nước.
Theo cuốn sách rất có giá trị khoa học bởi tính khách quan của nó – Lịch sử văn hóa Trung Quốc (do Đàm Gia Kiện chủ biên) – thì người Trung Quốc thời Tiên Tần không biết dùng đũa, không dùng đũa để ăn mà lấy tay bốc, đó là tập quán của cư dân trồng kê, mạch, ăn bánh mì, bánh bao, ăn cháo, thịt và canh (chủ yếu là canh thịt, chính xác là súp thịt). Họ chỉ bắt đầu dùng đũa từ khi thôn tính phương Nam (Nền văn hóa Đông Nam Á cổ, cụ thể và lân cận là khối cư dân Bách Việt).
Cũng theo cố GS Trần Quốc Vượng, động tác dùng đũa gắp thức ăn là mô phỏng theo con chim dùng mỏ để mổ và nhặt hạt.
Số lượng chim mỏ dài đậm đặc trên trống đồng (chim Lạc và chim Hồng) đã chứng tỏ vai trò của nó quan trọng như thế nào trong nền văn hóa Việt Nam. Chim nước, một loài đặc trưng và là vật tổ của các nền văn hóa, văn minh lúa nước, miền sông nước Đông Nam Á cổ. Nền văn hoa gốc du mục và nông nghiệp khô nếu có chọn chim làm vật tổ thì chỉ là loài chim mỏ ngắn và cư trú ở miền xa mạc, miền thảo nguyên (chim ưng, chim đại bàng, kền kền...). Tức là những loài chim không có động tác nhặt hạt, mà chỉ có động tác săn mồi, xé thịt.
Xuất phát từ thói quen ăn những thứ khó có thể dùng tay bốc hoặc mó tay vào được như cơm, cá, rau dưa, nước mắm... Và đôi đũa có hai chiếc, ngoài hai hoạt động cơ bản là "và cơm, lùa cơm" và "gắp thức ăn", nó còn thực hiện được một loạt các động tác khác phục vụ cho bữa ăn như : xé, xẻ, dầm, khoắng, trộn, vét, đảo, san...Điều này thể hiện tính chất linh hoạt, đa năng nhưng lại thiếu tính chuyên môn hóa. Khác với dụng cụ ăn của người phương Tây, mỗi dụng cụ có chức năng riêng phục vụ cho bữa ăn: dao để cắt; nĩa để găm, xé; muỗng (thìa) để múc thức ăn - thể hiện tính chuyên môn hóa cao (theo Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm).
Đến đây, bằng góc nhìn về gốc văn hóa, dường như chúng ta đã mường tượng ra phần nào được chân dung của chủ nhân sáng tạo ra đôi đũa? Phải chăng là những cư dân thuộc nền văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước với thành phần bữa ăn cơ bản là: cơm + rau + cá, thịt (tinh bột, vitamin, đạm)?. Nhìn vào thành phần bữa ăn cơ bản này, ta thấy rằng, tất cả những đồ ăn ấy chỉ có sử dụng đôi đũa mới đem lại hiệu quả tối ưu.
Trong kho tàng văn học đan gian Việt Nam, hẳn ai cũng biết đến chuyện cô tích Trầu Cau. Trong truyện ấy có 2 chi tiết đáng quan tâm. Khi cô gái dọn 2 chén cơm cho hai anh em sinh đôi là Tân Sinh và Tân Lang (còn có tên khác là Cao Tân và Cao Lang) nhưng lại chỉ để có 1 đôi đũa nhằm thử xem ai nhường cho người kia ăn trước thì người đó là em. Truyện Trầu Cau ra đời từ thời Hùng Vương, có nghĩa là trước khi bị ách đô hộ của nhà Tần, sau đó là nhà Hán (ngàn năm Bắc thuộc) thì đôi đũa đã hiện hữu và quen thuộc đối với người dân đất Việt rồi.
Trong khi giảng bài về định nghĩa văn hóa (theo thống kê của UNESCO, hiện nay thế giới đang có trên 300 định nghĩa về văn hóa), tình cờ tôi phát hiện thêm một bằng chứng khá thú vị để củng cố cho việc khẳng định chủ nhân của đôi đũa chính là cư dân nông nghiệp lúa nước.
Hai từ vănvà từ hóatrong tiếng Hán, dùng để chỉ định nghĩa về văn hóa của người Trung Hoa.
Văn: “Cái dấu vết do đạo đức lễ nhạc giáo hóa mà có vẻ đẹp đẽ rõ rệt gọi là văn”.(theo Hán – Việt từ điển (HVTĐ) của Đào Duy Anh, Nxb KHXH, 2001 và HVTĐ của Thiều Chiểu, Nxb Nhà in Đuốc Tuệ, 1943).
Hóa: - “Biến đổi” (dùng sức người).
- “Dẫn bảo chúng (dân chúng) khiến cho chúng thuận tòng gọi là giáo hóa”.
Nếu chiết tự chữ Hóa ra thì ta sẽ có bộ Nhân đứng bên phải để chỉ người – chủ nhân của các giá trị văn hóa; bộ Chuy bên trái để chỉ ý. Chuy có nghĩa là cái thìa (cái muỗng). (Trong HVTĐ của Đào Duy Anh, Nxb KHXH, 2001 thì phiên âm là Chủy, HVTĐ của Thiều Chiểu thì phiên âm là Trủy).
Cái muỗng vốn là vật dụng phổ biến trong việc dùng để múc cháo và súp của tổ tiên người Hán vốn gốc văn hóa du mục và nông nghiệp khô, thành phần bữa ăn cơ bản gồm có: Cháo, súp, thịt, bánh bao...(mạch, kê không thể nấu cơm được) vốn không cần dùng đến đôi đũa.
Đến đây thì hẳn ta đã rõ, chủ nhân đích thực của đôi đũa chính là cư dân gốc nông nghiệp lúa nước. Tôi chưa dám khẳng định liệu đó có phải là sản phẩm của riêng người Việt Nam hay không (điều này cần thêm tư liệu và thời gian, nhất là tư liệu từ những bằng chứng khảo cổ học và sử dụng phương pháp truy nguyên, so sánh các yếu tố về văn hóa giữa các nước thuộc nền văn hóa cổ Đông Nam Á) .
Cao Văn Đức -VHNT