Riêng với tôi, đôi đũa không chỉ gắn liền với nét văn hóa độc đáo, với những câu chuyện cổ tích đẹp hay những vần thơ, điệu hò quen thuộc mà hơn thế đó còn là bài học làm người, là những kỷ niệm về người mẹ kính yêu sẽ theo tôi đến hết cuộc đời.
Dù đã khôn lớn nhưng tôi không thể nào quên cái cảm giác lần đầu tiên được mẹ dạy cách ăn bằng đũa. Đó không đơn giản là việc thay đổi dụng cụ ăn uống mà thiêng liêng hơn thế, đứa trẻ thơ bé dại là tôi đã trở thành “người lớn” trong mắt của mẹ. Rồi cũng chính đôi đũa tre mộc mạc ấy mẹ dạy tôi những bài học làm người đầu tiên. Đôi tay nhỏ xíu chưa đủ “khôn” để cầm đũa đúng cách, mẹ ân cần chỉ bảo cách gắp thức ăn mà không làm vung vãi, cách so đũa sao cho không lệch...
Thủa gia đình còn hàn vi, cơm còn nấu bằng nồi gang, đôi đũa cả là vật dụng không thể thiếu trong ống đũa của gia đình. Khi tôi lớn thêm một chút, mẹ cho tôi ngồi đầu nồi đơm cơm cho cả nhà. Những tưởng công việc đó đơn giản như tôi vẫn thấy mẹ làm thoăn thoắt nhưng không, từng động tác lại chứa đựng một lễ nghi, sự ý tứ mà mỗi người con gái đều phải học. Mẹ nói, trước khi xới cơm phải dùng đũa đánh tơi cơm trong nồi, xới cơm xong dùng chiếc nọ gạt cơm khỏi chiếc kia chứ không được gõ vào nhau thành tiếng bởi âm thanh ấy là dấu hiệu gọi ma đến nhà. Đôi đũa cả xới xong không cắm thẳng vào nồi cơm mà để gọn trên vung nồi. Người ngồi đầu nồi phải quan sát mọi người trong mâm để chủ động đơm cơm, nhất là khi nhà có khách tránh để khách ngại xin cơm mà đói bụng.
Tối kị nhất trong bữa ăn là làm gãy đũa bởi theo quan niệm dân gian điều này báo hiệu điềm gở, đồng thời cũng là cơ sở để đánh giá sự tinh tế của người con gái. Chính vì thế mẹ dạy tôi cách dùng đũa để xắt thức ăn phải hết sức chú ý. Với những món ăn cứng như giò, bánh chưng mẹ dặn tôi khéo léo cầm sâu đũa xuống có như thế dù đũa có yếu cũng không thể gãy. Trong bữa cơm, nếu là người nhỏ nhất trong nhà phải chủ động so đũa cho người lớn thể hiện sự lễ phép. So đũa cho từ người cao tuổi nhất như ông bà đến bố mẹ rồi mới tới anh em. Ngay cả khi rửa bát mẹ cũng dặn dò tôi tỷ mỷ cách sắp đũa đúng chiều vừa thể hiện sự ngăn nắp và để bỏ vào ống đũa dễ dàng hơn.
Mẹ nói, trong bữa ăn phép lịch sự tối thiểu là không được để phát ra tiếng kêu giữa đũa và bát. Chiếc bát sành, sứ khi gặp đũa tre rất dễ phát ra tiếng động, người ăn phải khéo léo phối hợp nhịp nhàng vừa đưa thức ăn vào bát, và cơm vào miệng mà vẫn không để lại tiếng kêu. Bởi thế mà ch ông ta đã dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở” là ở chỗ đó.
Ngày nay, đôi đũa cả không còn phổ biến, đũa tre, đũa gỗ dần được thay thế bằng đũa sắt, đũa đồng. Tuy nhiên những nét văn hóa truyền thống xoay quanh đôi đũa thì vẫn còn đó và được các thế hệ người Việt tiếp nối. Đôi đũa của người Việt không đơn thuần là dụng cụ đưa thức ăn vào miệng như thìa, dao, dĩa của phương Tây mà ý nghĩa hơn bởi qua đôi đũa là đạo lý, là tâm linh và biết bao phong tục, tập quán đẹp.
MonngonHanoi.com (ảnh Internet)