BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Chuyện đũa, chuyện nĩa...

Đăng bởi Admin | 11/07/2017 | 0 bình luận

Hai năm trước ở Huế, tôi có dịp ghé thăm nhà anh bạn. Tôi là bạn thời đại học, dăm ba năm mới ghé thăm bạn một lần, kiểu gì mấy o mấy mệ nhà anh cũng rốt rắng mời tôi ở lại dùng bữa cơm ôn cố. Nhớ hôm đó là một ngày của tháng năm. Nắng tháng năm, tháng sáu ở cố đô thì phải biết. Hơi nóng phả từ đầu xuống chân, len mọi ngóc ngách của cơ thể. Vì vậy, bữa cơm trưa đãi khách được đặt cách một góc vườn trúc cỗ kính rợp bóng mát rượi. Bữa cơm mùa nóng thanh tao mà ngon miệng. Canh rau dền nấu tôm, hến trộn rau răm, cá nục kho mẳn, chè sen tráng miệng. Lạ một điều, khi thức ăn được đưa lên đầy đủ, mọi người ai cũng yên phần ghế của mình, cơm được xới ra bát thì đũa vẫn chưa được mang lên. O Tầm - chị dâu của bạn lúc đó mới nhẹ nhàng nhấc gót vào nhà trong. O mang ra một bó đũa, bắt đầu chia cho mọi người.

Tinh hoa đũa Việt từ thân tre trúc.

Đây là đũa làm từ thân trúc, chỉ dùng đãi khách thôi. Vườn trúc nhà này đã mười năm tuổi nhưng không già hơn đôi đũa o đang cầm trên tay đâu. Lúc về làm dâu, chính chồng tôi thức trọn hai đêm liền, ra vườn đẵng trúc, vót cho được năm mươi đôi đũa làm quà đón vợ về.  Mới đó mà đã  bốn mươi năm rồi còn gì!∫. Chuyện O Tầm vừa kể nghe cứ như câu chuyện Cây tre trăm đốt về mối tình anh Khoai và cô Út ngày xưa. Đôi đũa tôi đang cầm trên tay dài gần bằng hai gang, màu lam trúc, thân nhỏ hơn ngón út, nhẵn mượt. Vừa mới chạm vào, khoé tay tôi chớm cảm giác man mát, dễ chịu. Bữa ăn hôm đó, chúng tôi dẫn cả những hồi ức xa xưa vào trong đôi đũa trúc.

Cũng lạ thật, đôi đũa thân quen cầm trên tay mỗi bữa ăn hàng ngày này lại chẳng có bất kỳ minh chứng cụ thể hay truyền thuyết giả tưởng nào về lai lịch của chúng cả. Chẳng ai biết đũa có từ bao giờ, và xuất thân từ quốc gia nào. Mọi nghiên cứu, giả sử vẫn còn trong tầm bàn bạc, suy diễn. Người cho rằng đũa do người Trung Quốc sáng tạo ra từ thời Ân Thương, cách nay hơn ba nghìn năm. Ý kiến khác lại khẳng định đũa là sản phẩm của nền văn hoá nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á. Cách dùng đũa của cư dân xứ này là mô phỏng hình tượng con chim đang nhặt hạt. Thêm một lý do nữa, vùng Đông Nam Á mang khí hậu nhiệt đới. Rau củ, thực vật là thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày. Việc dùng đũa để gắp thức ăn là một lý do thích hợp.

Khá nhiều suy nghĩ xung quanh đôi đũa. Nhưng có những điểm chung mà ai cũng biết, Nhật, Hàn, Hoa, Việt là những quốc gia có lịch sử dùng đũa lâu đời. Và đương nhiên, mỗi đất nước có một thói quen dùng đũa khác nhau. Ví như, người Trung Quốc thích dùng đũa làm từ sừng động vật hoặc tre. Dân xứ Hàn lại chuộng loại đũa kim loại để gắp, trộn món quốc hồn quốc tuý Kim Chi của họ. Người Nhật thì lại khác, mỗi thành viên trong gia đình xứ phù tang này có một đôi đũa cá nhân riêng. Đũa của người Nhật thường bằng gỗ, thân vuông. Chính sự khác nhau đã làm nên đặc thù riêng của mỗi nước. Đôi khi chỉ cần nhìn bàn tay nọ cầm đôi đũa gắp thức ăn, bạn có thể đoán được người đó thuộc dân tộc nào, từ nơi đâu đến. 

 

Tô mỳ hoành thánh lúc một giờ đêm bên lề đường Malaysia

Đôi đũa của người Việt mình không chỉ dùng để xào, trộn, gắp, xới. Đũa còn là một công cụ vun vén tình cảm con người lại với nhau.∫  Bà Tôn Nữ Thị Hà, một trong những đệ nhất ẩm thực xứ Huế kể tôi nghe những triết lý về đũa trong một lần trà ẩm. Bà Hà vốn con cháu dòng dõi hoàng tộc Huế, lại là người bước vào bếp khi còn tuổi lên bảy, nên bà hiểu đến từng chi tiết cái muỗng, cái vá trên chạn bếp nhà mình.

Đũa của người Việt có dăm bảy loại. Thời vua chúa, hoàng tộc, quan lại thì được dùng những loại đũa mun sơn son thiếp vàng quý hiếm. Gỗ mun lâu năm, từ rừng sâu trở về, trải qua bao thao tác gọt chuốt mới thành đôi đũa phẳng mượt, đen tuyền trên tay người quý phái. Ở những mái tranh nghèo của người nông phu, dân thường, cuộc sống khó khăn vì thế mà bữa ăn cũng diễn ra hề hà. Trên chạn bếp của mỗi nhà, bên cạnh mớ chén dĩa bằng đất nung trắng đục luôn kèm theo một bó đũa tre bên cạnh. Người đàn ông thường tự tay vót đũa cho cả nhà. Với những dân phu làm đồng cả ngày, bữa trưa dưới gốc tre làng, chỉ cần hai nhánh tre bẻ vội, cặp thành đôi, họ đã có đôi đũa qua bữa.

Cung cách ăn uống của người giàu, kẻ nghèo tuy có khác. Nhưng nếu được ngồi chung một bàn tròn, khi đã cầm đôi đũa trong tay, thì bao câu chuyện trong ngày đều chia sẽ ngay trong bữa ăn gia đình. Đôi đũa trở thành phương tiện gửi gắm tình cảm qua thao tác gắp bỏ một miếng ngon cho người ngồi cạnh. Thức ăn sơ sẩy tràn ra ngoài dĩa, lại có đôi tay cầm đũa vén vào cho gọn. Đó là cái tình, cái nồng ấm trong bữa ăn người Việt mà bà Tôn Nữ Thị Hà đã nói đến ở trên.  

Chia đũa đã khéo, đụng đũa càng khéo hơn.

Đôi đũa gọt dũa nếp nhà. Nề nếp đó còn tồn tại cho đến bây giờ. Con gái Việt từ thuở bảy, tám tuổi đã được bà và mẹ dạy cho cách xắp đũa trên mâm ăn. Bữa ăn dù thanh đạm hay cầu toàn, thì đôi đũa vẫn phải được so đều, bằng đầu bằng đuôi, không so lệch khiến cho khách đến chê cười.

Sứ Minh Long

Người chia đũa đã khéo, người dùng đũa càng khéo hơn. Thao tác gắp nhẹ nhàng và chứa đầy sự kính nhường. Không dùng đũa xới tung đĩa thức ăn mà chọn miếng ngon. Không tinh nghịch cắm thẳng đũa vào bát cơm. Điều đó biểu hiện cho sự tang tóc. Cũng như việc đặt đũa xuống mâm rồi mới chan canh vào bát, không khua đũa vào chén trong bữa ăn. Đó là bài học đầu tiên dành cho một đứa trẻ khi chúng bắt đầu biết cầm đũa ăn cơm.  Từ một đôi đũa tre mộc mạc, giờ các siêu thị, trung tâm thương mại đã xuất hiện các loại đũa kim loại, inox, hoặc các loại gỗ kim giao, gỗ sen quý hiếm.

 Nước gạo,  thức uống đường phố của Malaysia.

Nhưng, cho dù sự biến đổi của thời đại như thế nào, mỗi khi cầm đôi đũa trên tay, người Việt thường nhớ ngay đến những gốc tre làng xanh rì trước ngõ. Cây tre là biểu tượng của quê Việt, đi sâu mỗi tâm thức mỗi con người. Những thân tre già cội được vót thành đũa. Một lần và cơm vào miệng, dù đó là miếng cao lương hay đũa rau muống đạm bạc, thì tinh hoa xứ sở và những hình ảnh đẹp nhất của quê hương cũng theo đường đó mà đi vào tâm khảm mỗi người.

Cái tôi của nĩa, của dao.

 

Người Phương Đông xa xưa không ủng hộ cách dùng dao, nĩa cắt xé đồ ăn ngay tại bàn. Họ cho rằng những vật dụng đó là biểu tượng của binh đao, bạo lực. Nhưng những dụng cụ kim loại trên lại không thể thiếu trong bữa ăn của người phương Tây. Cũng bởi, ẩm thực của phương Tây chủ yếu dựa trên nguồn động vật. Vì vậy, họ cần dùng những vật rắn, sắc như dao, nĩa để cắt, xé thức ăn. Chắc chắn không ít người từng biết nĩa, dao bắt nguồn từ phương Tây, và đã được sử dụng khá nhiều từ thời Trung Cổ.

Nói về ẩm thực phương Tây, nước Pháp dường như là chiếc nôi tiêu biểu chứa đựng bao tinh hoa văn hóa của nhân loại. Ở Việt Nam ta, từ khi người Pháp đặt chân đến thì cái nĩa cũng theo vào. Với đôi đũa, bạn có thể làm mọi thao tác gắp, trộn, xới, nhưng trên bàn ăn của người phương Tây, một con dao, một chiếc nĩa đều có công việc riêng. Theo thứ tự của bàn ăn nhìn từ bên phải sang, dao được xếp đầu tiên, tiếp theo là muỗng, và cuối cùng bên trái là nĩa. Đây là ba dụng cụ chính trong bữa tiệc. Mỗi bộ dao nĩa phải phù hợp với từng loại thực phẩm riêng. Dao dùng cho các loại thịt dai như  beefsteak bản lớn, cạnh sắc bén. Các loại thức ăn mềm như thịt hầm, cá, tôm thì chọn dao nhỏ, thân bẹp để có thể khơi ra từng miếng nhỏ. Dao cắt bánh mỳ trên lưỡi có răng cưa. Cũng tương tự, loại nĩa dùng đồ tráng miệng cũng thường nhỏ gọn, ít răng hơn những loại khác. Sau này còn có thêm các dụng cụ thọc, kìm cho việc ăn các loại hản sản như tôm, cua. 

 Món Tây ở Ivy Sài Gòn

Chính sự cầu kỳ đến từng chi tiết mà văn hoá dao, nĩa phương Tây đã hình thành nhiều nguyên tắc trong một bữa ăn. Khi ăn, mỗi người được sở hữu một bộ dao nĩa, khăn ăn riêng. Trong suốt bữa ăn, người dùng nên tránh gây ra tiếng động mạnh, hoặc làm các dụng cụ va chạm vào nhau. Càng tuyệt đối không nên đưa dao lên miệng gây phản cảm. Chính những chi tiết cầu kỳ, quy tắc không dùng chung trong ăn uống, cũng như việc sở hữu bộ dao nĩa theo mỗi cá nhân đã nêu bậc cái tôi rõ ràng của người phương Tây.

 Khi tất cả cùng nằm trên một bàn ăn.

 

Dù cho sự khác nhau giữa đôi đũa phương Đông và cây nĩa người Tây, nhưng theo dòng thời gian, không ai có thể ngăn cản được sự ồ ập giao thoa văn hóa. Dao, nĩa, đũa giờ đây được xếp chung vị trí ngang bằng trên bàn ăn của người Việt. Dễ thấy nhất đó là món cơm tấm của người Nam bộ. Đĩa cơm nào cũng kèm theo nĩa và muỗng. Vì rõ ràng ai cũng biết, dùng nĩa ăn sườn nướng với cơm bao giờ cũng dễ hơn gắp sườn bằng đũa. Người Việt đã mượn chiếc thìa để ăn cơm tấm, sự vay mượn độc đáo mà ngay khi cầm thìa ăn sườn nướng, bạn cũng ít khi nhận ra.

Ngô nếp trên một bàn tiệc sang trọng.

Ta cũng dễ nhìn thấy tại các bữa tiệc lớn, dù cho đó là tiệc buffet Âu, hay Á, bất cứ nơi nào, đũa, muỗng, nĩa, dao cũng được nghiêm chỉnh một góc riêng của chúng. Đã không còn cái thời đũa tre thiêng về dân phu lúa nước, hay dao, nĩa chỉ thuộc hàng thế lực binh đao. Nay, tất cả chúng  đều cùng nằm trên một bàn ăn. Một anh chàng Tây Ban Nha có thể suýt xoa gắp miếng đậu phụ mắm tôm cho vào miệng. Sự hoà hợp văn hóa là phương tiện kéo khoảng cách con người lại với nhau. Trong đó, trao đổi ẩm thực là con đường dễ tìm đến sự thân thiện nhất.

 Hứng tác từ  Bánh mỳ  thơm, cà phê đắng của Uyên.

Nguồn: http://blog.yume.vn/xem-blog/chuyen-dua-chuyen-nia.nguyencao2010.35D08151.html

zalo